Vượt thác Vũ Môn huyền thoại
Nhắc đến địa danh Hương Khê, người ta nghĩ ngay đến vùng đất có nhiều sản vật quý. Hương Khê có gỗ trầm hương, một loại gỗ thơm đặc biệt, có bưởi Phúc Trạch, “Năm 1938, bưởi Phúc Trạch đã được thưởng mề đay trong cuộc đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương”; có cam Khe Mây, hương thơm bay khắp gần xa vẫy gọi khách thập phương.
Hương Khê còn có danh thắng thác Vũ Môn gắn liền với truyền thuyết Cá chép hóa Rồng: “Mồng Bảy cá đi ăn thề, mồng Tám cá về vượt thác Vũ Môn”. Trong những ngày cuối đông, tôi may mắn được tham gia đoàn khảo sát của huyện Hương Khê về hiện trạng và tiềm năng của thác Vũ Môn.
Thác Vũ Môn được ví như hòn ngọc giữa rừng xanh bao la |
Có thể nói, thác Vũ Môn hội tụ được rất nhiều yếu tố về “thiên thời, địa lợi”, thực sự là một tiềm năng du lịch cần được đánh thức. Theo kết quả khảo sát, thác Vũ Môn nằm sát biên giới Việt – Lào, điểm gần nhất 800m, điểm xa nhất hơn 1.500m, có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ. Trên đỉnh thác có dòng sông chảy hiền hòa, rộng khoảng 30m, bắt nguồn từ đỉnh núi Giăng Màn, là nơi cung cấp nguồn nước cho thác.
Ở chân thác Vũ Môn có nhiều tảng đá lớn tự nhiên gối lên nhau, hình thành nên các hang, hốc, từ chân thác chảy xuôi qua các khe đá, hốc đá tạo thành những vòng xoáy, vực nước tuyệt đẹp. Dưới chân thác còn có những phiến đá lớn, trong đó có một phiến đá rộng, phẳng, tương truyền được coi là “bàn cờ tiên”. Xung quanh thác còn có những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loài cây khác nhau, trong đó có nhiều cây tùng, bách, táu; có những cây tùng có đường kính 1m. Trên đỉnh thác là vùng đất rộng khoảng 500ha, trong đó, có khoảng 70ha đất bằng. Bên phải thác là một dãy núi (gọi là Đỉnh Trụt), bên trái thác là một dãy núi đá (gọi là lèn Bắc Thang).
Tiếng gọi Vũ Môn
Không những đẹp về khung cảnh, khí hậu mát mẻ, thác Vũ Môn còn ẩn chứa nhiều truyền thuyết huyền bí. Đặc biệt, câu chuyện Cá chép hóa rồng: “Mồng Bảy cá đi ăn thề/ Mồng Tám cá về vượt thác Vũ Môn” được lưu truyền trong dân gian. Hằng năm, cứ đến ngày Tám tháng Tư, cá chép vượt thác, con nào qua được thì hóa rồng. Phường chài thường bảo nhau, mấy ngày trước không bủa chài lưới. Và đúng ngày đó, thác Vũ Môn mây mù dày đặc, không ai dám đến gần. Gắn với huyền thoại, những người dân địa phương truyền tai nhau rằng, nếu vào ngày cá chép vượt thác mà trời mưa, nước thác về nhiều, cá vượt thác hóa rồng, đồng nghĩa với năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; còn ngược lại, sẽ là một năm đại hạn khốn khó, người dân cần có phương án phòng bị.
Ông Lê Ngọc Huấn – Chủ tịch UBND huyện Hương Khê – cho biết: Từ thời Pháp thuộc, cùng với Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng), thác Vũ Môn (Hương Khê, Hà Tĩnh) được đánh giá là một trong 3 địa danh có khí hậu ôn đới đạt tiêu chuẩn du lịch. Qua khảo sát, có thể khẳng định, thác Vũ Môn có tiềm năng, lợi thế du lịch hết sức to lớn, đặc biệt là độ cao, nhiệt độ, khí hậu, khu rừng nguyên sinh… Được thiên nhiên ưu đãi cùng với những câu chuyện huyền bí về thác, đây sẽ là điểm đến đầy tiềm năng.
Còn với những người dân bản địa, mỗi lần có đoàn khảo sát đến với Vũ Môn là thêm một lần niềm tin được thắp lên. Anh Nguyễn Quốc Bảo (thôn Phú Lâm, xã Phú Gia) bộc bạch: “Chúng tôi rất mong các cấp, ngành có sự đầu tư thỏa đáng, khai thác Vũ Môn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn để vừa bảo vệ rừng, vừa phát huy lợi thế, tiềm năng địa phương và giúp cuộc sống bà con dân bản khởi sắc hơn”.
Đoàn lãnh đạo và cán bộ huyện Hương Khê đi khảo sát thác Vũ Môn |
Cùng với quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia Thành Sơn Phòng – đền thờ Vua Hàm Nghi, miếu Trầm Lâm và những con thác Cam, Hang Dơi, Trời Mưa… (những nhánh thác được chảy ra từ Vũ Môn) kết nối khai thác thác Vũ Môn hứa hẹn sẽ là quần thể khu du lịch tầm cỡ.